Thái Nguyên có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Wed Jul 09 16:23:00 GMT+07:00 2025
Đàn lễ trong Lễ hội cầu mùa của người Dao Lô Gang
Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang thuộc loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, địa bàn phân bố tại các xã: Phương Giao, Phú Thượng, Thần Sa, Vũ Chấn, huyện Võ Nhai trước đây (nay là xã Dân Tiến, xã Võ Nhai, xã Thần Sa, xã Vũ Chấn, tỉnh Thái Nguyên). Đây là một trong những nghi lễ độc đáo và được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Dao Lô Gang, tiêu biểu là nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn cộng với không gian hành lễ mang đậm màu sắc tâm linh.
Nghi thức cúng rừng trong Lễ hội cầu mùa của người Dao Lô Gang
Theo tập tục của người Dao Lô Gang, cứ 3 năm một lần, Nhân dân lại tổ chức lễ hội để cầu mùa. Trước ngày lễ hội, bà con người Dao nơi đây chuẩn bị đầy đủ rượu, thịt, rồi dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, sạch sẽ, trưng bày các vật dụng đẹp mắt đón khách đến dự hội. Nét đặc sắc trong quá trình làm lễ là các thầy cúng hát những bài hát có nội dung kể về nguồn gốc tổ tiên, lời ca công trạng các vị tổ của những dòng họ đã có công khai phá lập làng, các thần thiên nhiên có công giúp dân trừ quỷ dữ, giúp dân làm nương rẫy được mùa màng bội thu, diệt trừ tai ương bệnh tật… Mục đích của Lễ hội là để mời gọi các vị thần linh trên trời, dưới đất, các vị thần sông, thần suối, thần núi, thần rừng... cùng về chứng giám lễ tạ của Nhân dân. Từ đó, các vị thần sẽ nghe được lời cầu xin của muôn dân mà gọi gió, gọi nắng, gọi mây về làm mưa, gieo nước ngọt cho đời. Những yếu tố nhân văn đó được thể hiện qua các bài cúng, bài khấn, bài hát của các thầy cúng được diễn ra trong Lễ hội.
Người Nùng xã Văn Hán hát Sli khi đi thu hoạch chè
Hát Sli của người Nùng Phàn Slình là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, địa bàn phân bố tại các xã: Văn Hán, Hòa Bình, Minh Lập, Tân Long, huyện Đồng Hỷ trước đây (nay là các xã Văn Hán, Văn Lăng, Quang Sơn và Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Sli là nghệ thuật hát đối độc đáo của người Nùng, hát Sli gọi theo tiếng Nùng là “Và Sli” hoặc “Pây và Sli”, có người gọi là Đi bạn, hay hát Ví. Sli là những bài thơ, văn vần có độ dài ngắn khác nhau, thường được thể hiện theo thể thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt. Sli được hình thành trong cuộc sống lao động, đấu tranh cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội nhằm phản ánh một cách chân thực và sinh động cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt của người Nùng Phàn Slình, thể hiện tâm tư, tình cảm, khát vọng của con người, ca ngợi tình yêu, đôi lứa, vẻ đẹp thiên nhiên, quê hương, làng bản. Hát Sli phải có đôi có cặp, nghĩa là dù bên nam hay nữ thì cũng luôn kết hợp 2 người thành cặp. Sli hát trong nhiều dịp: Lễ hội, chợ phiên, đám cưới, mừng nhà mới hay khi bản có khách đến chơi hoặc đến bản khác chơi, trong nghi lễ Hét khoăn (nghi lễ mừng sinh nhật)... Ngày nay, Sli trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người Nùng Phàn Slình.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 45 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, tỉnh có 1 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Thực hành Then của người Tày ở Thái Nguyên cùng một số tỉnh chính thức được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 13/12/2019).
thainguyen.gov.vn