Di tích Đồi Pù Cọ - Nơi gặp gỡ đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến
Thu Jul 17 14:40:00 GMT+07:00 2025
Di tích Đồi Pù Cọ ở trên cao, cây cối xanh mát quanh năm, ở đây có tầm nhìn bao quát xung quanh
Đầu năm 1943, chấp hành Nghị quyết Hội nghị giữa các đồng chí lãnh đạo của hai căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai tổ chức tại hang Lũng Hoài - Hòa An (Cao Bằng), để thi hành Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc mở “con đường quần chúng cách mạng” nhằm làm thông suốt liên lạc giữa hai căn cứ với Trung ương Đảng ở miền xuôi, công tác “Nam tiến” do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy và công tác “Bắc tiến” do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy đã nhanh chóng được tổ chức thực hiện.
Sau một thời gian hoạt động tích cực, các mũi Nam tiến và Bắc tiến đã được phát triển tới vùng Chợ Đồn. Vào trung tuần tháng 8/1943 một tổ công tác Bắc tiến do đồng chí Hoàng Thượng và Nhất Quý phụ trách, được ông Lục Văn Chinh ở Bảo Cường (Định Hóa) từng dạy học ở Chợ Đồn, là người hiểu rõ tình hình ở đây đưa lên gây dựng cở sở cách mạng đầu tiên tại bản đồng bào người Dao - Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá. Tại đây, tổ công tác đã giác ngộ ông Triệu Phú Dương, Triệu Phú Nhuận là người có uy tín cao trong đồng bào người Dao ở Chợ Đồn để làm cơ sở xây dựng và phát triển cách mạng trong vùng. Ít lâu sau, đồng chí Hoàng Thượng quay về. Đồng chí Bảo Cường đưa đồng chí Chu Văn Tấn lên gặp ông Dương, Nhuận, Quân và tổ chức ăn thề, sau đó đồng chí Chu Văn Tấn trở lại căn cứ Bắc Sơn.
Di tích Đồi Pù Cọ là nơi được thế hệ trẻ lựa chọn tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng
Từ cơ sở đầu tiên ở Bản Bẳng, phong trào cách mạng đã phát triển nhanh chóng và lan rộng ra khắp các xã ở Chợ Đồn, tạo điều kiện cho hai lực lượng Nam tiến và Bắc tiến liên lạc với nhau. Đến tháng 10/1943, Đội Xung phong Nam tiến do đồng chí Nông Văn Quang phụ trách đã đến được Bản Bẳng gặp Đội Xung phong Bắc Tiến của đồng chí Hoàng Thượng. Sau khi giới thiệu, các đồng chí đã tổ chức họp rút kinh nghiệm và thề cùng nhau “Tuyệt đối trung thành với Đảng, quyết tâm phấn đấu, hy sinh cho sự thành công của cách mạng”. Mọi người ai nấy đều vui vẻ, mừng rỡ vì “con đường quần chúng cách mạng” đã thành công. Biết được tin này, đồng chí Chu Văn Tấn phái ngay đồng chí Hoàng Thượng và Hà Châm đi đón đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang ở xóm Nặm Lạ, xã Trung Hòa, huyện Ngân Sơn. Hơn mười ngày đêm ròng rã vượt suối, băng rừng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tới Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá.
Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Đảng từ năm 1943 đến 1945
Để kỷ niệm thành công con đường Nam tiến, con đường quần chúng cách mạng, các đồng chí đã đặt tên xã Nghĩa Tá là “xã Thắng Lợi”. Từ đó đi lên cũng như đi xuống, con đường quần chúng cách mạng đã được mở rộng trong lòng Nhân dân các dân tộc trong vùng.
Sau lần gặp gỡ đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Bản Bẳng ở một thời gian, tổ chức một lớp huấn luyện cho các đội viên ở đây, viết cuốn “Kinh nghiệm Việt Minh tại Việt Bắc”. Khoảng nửa tháng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trở về Cao Bằng. Từ đó đồng chí Chu Văn Tấn và các đồng chí lãnh đạo khác của hai lực lượng Nam tiến và Bắc tiến đã lấy đây làm căn cứ, thường xuyên đi lại để hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng cho tới ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 mới rút đi.
Như vậy, sau 8 tháng hoạt động tích cực (từ tháng 2 - 10/1943) “con đường Nam tiến”, liên lạc giữa hai căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai đã được thông suốt, tạo thành con đường quần chúng, nối liền các hoạt động của cách mạng Việt Nam từ miền núi tới miền xuôi. Tại Đồi Pù Cọ (Bản Bẳng) đã vinh dự là nơi được chứng kiến và ghi dấu sự kiện vẻ vang ấy.
Khách du lịch tham quan lán của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại Di tích Pù Cọ
Năm 1996, Di tích Đồi Pù Cọ được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, địa phương đã chú trọng công tác bảo quản, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử với phát triển du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ sau.
thainguyen.gov.vn